Theo trang Asia Times, vào tháng 4/2024, nắng nóng cực độ đã ảnh hưởng rõ rệt đối với các khu vực Nam và Đông Nam Á, cụ thể là các quốc gia như Ấn Độ, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Người đi bộ dùng ô để che nắng ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 25/4. Ảnh: Andre Malerba/Bloomberg/Getty Images

Những đợt nắng nóng này cũng tác động nghiêm trọng đến quốc gia đông dân nhất thế giới, gây thiệt hại nặng nề cho sức khỏe, nền kinh tế và giáo dục.

Trong tháng 5 và tháng 6 năm nay, hàng chục triệu người dân phải đối mặt với nắng nóng nguy hiểm. Ấn Độ trải qua đợt nắng nóng dài nhất từ trước đến nay, bắt đầu từ giữa tháng 5. Ở miền bắc Ấn Độ, nhiệt độ tăng lên hơn 45 độ C (113 độ F), trong đó một số khu vực vượt quá 50 độ C (122 độ F).

Các báo cáo chính thức vào tháng 5/2024 đã ghi nhận khoảng 56 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng từ tháng 3 đến tháng 5, nhưng con số thực tế có thể cao hơn vì số ca tử vong ở nông thôn thường không được báo cáo cụ thể.

Trong khi đó, Myanmar đã phải đối mặt với nhiệt độ cao chưa từng thấy ở một số thị trấn, bao gồm các khu vực Magway, Mandalay, Sagaing và Bago. Hay Campuchia gần đây cũng trải qua nhiệt độ cao nhất trong 170 năm qua, lên tới 43 độ C (109 độ F).

Ở miền bắc Thái Lan, nhiệt độ tăng mạnh hơn 44 độ C (111 F), trong đó thủ đô Bangkok cũng ghi nhận nhiệt độ vượt quá 40 độ C (104 F). Năm 2024, mùa hè của Thái Lan ghi nhận nhiệt độ cao hơn 1–2 độ C so với năm 2023, với lượng mưa dưới mức trung bình.

Tính đến ngày 10/ 5/ 2024, ít nhất 61 người dân Thái Lan đã tử vong vì say nắng, so với tổng cộng 37 trường hợp tử vong được thống kê vào năm ngoái.

Nắng nóng khắc nghiệt đã gây ra sự gián đoạn trong giáo dục và năng suất lao động. Tại Philippines, hàng triệu học sinh phải ở nhà trong 2 ngày nắng nóng nhất. Bộ Giáo dục nước này đã chỉ đạo hơn 47.000 trường công lập chuyển sang học trực tuyến.

Đối tượng tổn thương nhất do nắng nóng

Như vậy, nhiệt độ cực cao đã ảnh hưởng đến các nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung. Tại một số nước, thảm thực vật và độ ẩm của đất giảm đột ngột đã gây ra nhiệt độ cao hơn. Các khu vực đô thị, với bề mặt bê tông và nhựa đường, đã giữ nhiệt, tạo ra hiện tượng "hiệu ứng đảo nhiệt đô thị".

Trên toàn cầu, hiện tượng El Niño và biến đổi khí hậu đã làm tăng thêm các đợt nắng nóng cực độ. Do đó, các khu vực như Nam Á và Đông Nam Á phải hứng chịu những đợt nắng nóng thường xuyên, kéo dài và dữ dội hơn.

El Niño là một hiện tượng thời tiết đặc trưng bởi nhiệt độ bề mặt nước biển ấm bất thường ở vùng nhiệt đới trung và đông Thái Bình Dương. Hiện tượng này xảy ra bất thường vài năm một lần và có thể ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết toàn cầu.

Trong thời kỳ xảy ra El Niño, nhiệt độ đại dương tăng lên dẫn đến những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển, có thể gây ra lượng mưa lớn ở một số vùng này và hạn hán ở những vùng khác.

Ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, El Niño thường tương quan với điều kiện nóng hơn và khô hơn, gây ra các đợt nắng nóng trầm trọng và kéo dài thời kỳ khô hạn. Những điều kiện này đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho nông nghiệp, dẫn đến giảm năng suất cây trồng và tăng nguy cơ cháy rừng.

El Niño và La Niña là một phần không thể thiếu trong chu kỳ El Niño-Dao động phương Nam (ENSO), một hiện tượng tự nhiên gây ra những biến đổi khí hậu đáng kể hàng năm trên Trái đất. Đây là sự biến đổi có tính chu kỳ không đều của gió và nhiệt độ bề mặt biển trên Đông Thái Bình Dương nhiệt đới, ảnh hưởng đến khí hậu hầu khắp các miền nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra hiện đang ảnh hưởng đến chu kỳ này. Các nghiên cứu cũng lưu ý yếu tố này đang làm tăng sự xuất hiện và cường độ của các hiện tượng El Niño nghiêm trọng, gây ra hạn hán, lũ lụt, các đợt nắng nóng và bão.

Các mô hình khí hậu cũng dự đoán rằng hiện tượng El Niño cực đoan có thể xảy ra khoảng 10 năm một lần thay vì 20 năm một lần do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tần suất tăng cao có thể dẫn đến những thảm họa liên quan đến thời tiết thường xuyên và nghiêm trọng hơn trên toàn cầu.

Biến đổi khí hậu là một thách thức đáng kể đối với các quốc gia Nam bán cầu do nguồn lực và khả năng ứng phó còn hạn chế. Những quốc gia ở khu vực này thường phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp như một trụ cột kinh tế quan trọng, khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các kiểu thời tiết thất thường liên quan đến biến đổi khí hậu. Hậu quả, người dân thường phải chịu cảnh mất mùa, mất an ninh lương thực và mức nghèo đói tăng cao.

Về mặt kinh tế, tác động là đáng kể. Dự báo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng đến năm 2050, hơn 140 triệu người ở các khu vực như Châu Phi cận Sahara, Nam Á và Châu Mỹ Latinh có thể phải di dời do các yếu tố trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu như khan hiếm nước và giảm năng suất nông nghiệp.

Ngoài ra, nắng nóng cũng gây ra rủi ro đáng kể cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở các nước, đặc biệt là phụ nữ, người cao tuổi và trẻ em, làm trầm trọng thêm các thách thức về sức khỏe và kinh tế xã hội./.

Hồng Nhung